Vốn đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc, Hong Kong tăng đột biến
Tại hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về ngăn chặn gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp & lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại”, ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết tính đến ngày 20/10, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là hơn 29 tỉ USD, tăng 4,3% so với cùng kì năm 2018.
Trong đó, đáng chú ý, vốn đầu tư từ Trung Quốc, Hong Kong có xu hướng tăng đột biến. Theo đó, Trung Quốc tăng 2 lần và Hong Kong tăng gần 4 lần. Tuy nhiên, qui mô đầu tư rất nhỏ, khoảng 1 triệu USD tiềm.
“Với số vốn thấp như vậy thì việc chuyển giao công nghệ, đầu tư sâu để thay đổi đáng kể xuất xứ hàng hóa là không thể. Chúng tôi nghi vấn điều này tiềm ẩn rủi ro liên quan đến chuyền tải bất hợp pháp”, ông Tuấn nói.
Chuyển hướng đầu tư này là xuất phát từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung để lẩn tránh thuế quan Mỹ áp lên Trung Quốc.
Xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong 10 tháng đầu năm nay tăng 26,5% so với cùng kì năm ngoái và tăng 4 lần so với trung bình tốc độ tăng ở các thị trường khác. Điều này cũng tiềm ẩn rủi ro gian lận xuất xứ khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Ông Tuấn cũng lưu ý một số mặt hàng có sự tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường Mỹ rất mạnh ví dụ dây điện và cáp điện (252%), chất dẻo nguyên liệu (147%), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (100%).
“Qua đánh giá việc tăng trưởng mạnh trong thời gian ngắn như vậy có nguy cơ về hành vi chuyền tải bất hợp pháp”, ông Tuấn nhận định.
Trong khi đó, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc, dây điện và dây cáp điện, gỗ và sản phẩm từ gỗ cũng tăng mạnh khoảng 42 – 53%.
Hàng loạt mặt hàng nằm trong diện nguy cơ gian lận xuất xứ cao
Ông Tuấn cho biết các mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu đột biến trên 25% đang nằm trong nguy cơ gian lận xuất xứ cao bao gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; nhôm và các sản phẩm từ nhô; sắt thép và các sản phẩm từ sắt thép; xe đạp, xe đạp điện và linh kiện của xe đạp, xe đạp điện; gỗ và các sản phẩm từ gỗ; dệt may….
Ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hải quan cho biết phía Mỹ đã dùng những từ khá nhạy cảm khi đánh giá xuất khẩu khá nhanh sang Mỹ song song với đó nhập khẩu từ Trung Quốc cũng tăng mạnh.
Tổng Cục Hải quan đã nghiên cứu và có kiện nghị với chính phủ. Trong thời gian tới chúng tôi rà soát đánh giá năng lực sản xuất của những doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ.
“Chúng tôi đang nghiên cứu sửa đổi nghị định về xử phạt hành chính trong hải quan để đủ sức răn đe”, ông Thành cho hay.
Theo ông Lương Kim Thành, Phó trưởng Phòng, Phòng Xử lí phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ Thương mại cho biết trong thời gian từ năm 2015 đến nay, Mỹ là nước điểu tra lẩn tránh thuế đối với hàng hóa Việt Nam nhiều nhất với 7 vụ liên quan đến các sản phẩm như thép cán nguội, thép chống ăn mòn, nhôm định hình, mắc áo bằng dây thép.
Nước ngoài có thể điều tra một số doanh nghiệp Việt Nam nhưng khi áp thuế thì họ áp toàn bộ doanh nghiệp Việt Nam liên quan đến sản phẩm bị áp thuế.
“Họ đánh vào sản phẩm chứ không đánh vào doanh nghiệp nên các doanh nghiệp còn lại bị ảnh hưởng”, ông Thành cho biết.
Theo nguồn Vietnamnet